Quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp là một trong những công tác quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của mọi doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tuy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh rất lớn nhưng vẫn phải xoay xở với tình trạng thiếu hụt tiền mặt. Quản lý dòng tiền hiệu quả không những đảm bảo quá trình vận hành trơn tru, hoạt động kinh doanh thông suốt mà còn tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ khác. Do vậy, những hiểu biết về quản lý dòng tiền là vô cùng cần thiết đối với mọi nhà quản trị.
- Lập kế hoạch kiểm soát dòng tiền
Để kiểm soát dòng tiền hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần có một kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn, quá trình. Một kế hoạch chính xác có thể báo động được những vấn đề trước khi chúng phát sinh. Việc lập kế hoạch quản lý dòng tiền không chỉ là dự tính cho các khoản thu chi tương lai, trích lập dự phòng để luôn đảm bảo dòng tiền lưu chuyển ổn định, mà còn là dự toán các chỉ số hoặc các yếu tố liên quan, từ lịch sử thanh toán, công tác xử lý các khoản nợ và các khoản chi phí sắp phát sinh. Các con số đều phải được đặt ra trong những giới hạn rõ ràng, như vậy thì doanh nghiệp mới xác định được thực tế thu chi trong doanh nghiệp có vượt mức kế hoạch hay không.
- Tối ưu quy trình quản lý hàng hóa, thành phẩm, hàng tồn kho
Việc quản lý chặt chẽ hàng hóa, thành phẩm và đặc biệt là hàng tồn kho sẽ giúp tối ưu hóa nguồn vốn, giải phóng dòng tiền trong doanh nghiệp. Trước khi sản xuất, doanh nghiệp cần dự đoán nhu cầu thị trường, dự đoán số lượng hàng hóa doanh nghiệp có thể xuất ra thị trường từ đó có thể xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng dự báo chính xác để xác định số lượng hàng hóa hợp lý cần sản xuất, cũng như chưa nghiên cứu thị trường kĩ càng để hiểu rõ về nhu cầu thị trường và đối thủ cạnh tranh, dẫn đến việc sản xuất dư thừa. Vì vậy doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện dự báo thường xuyên, liên tục, nhằm đạt được kết quả dự báo chính xác nhất so với thực tế, như vậy mới kịp thời điều chỉnh được sản lượng. Quản lý tốt hàng hóa, thành phẩm, hàng tồn kho sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và kho bãi, đồng thời đảm bảo dòng tiền trong doanh nghiệp không bị ứ đọng.
Quản lý tốt hàng tồn kho đảm bảo dòng tiền lưu thông trong doanh nghiệp.
- Chọn đúng khách hàng, đối tác
Nhiều doanh nghiệp luôn vội vàng trong việc kí kết hợp đồng với khách hàng, đối tác, vì họ sợ mất đi những khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên việc vội vàng kí kết hợp đồng mà chưa tìm hiểu kĩ về khách hàng sẽ mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Một vấn đề khá phổ biến xảy ra với nhiều doanh nghiệp hiện nay là có quá nhiều khoản nợ xấu khó đòi từ khách hàng mà doanh nghiệp phải giải quyết. Doanh nghiệp không những tốn nhiều thời gian, chi phí để xử lý các khoản nợ này, mà còn gặp phải rủi ro không nhận lại được tiền, gây thất thoát nguồn vốn của doanh nghiệp. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là họ đã làm ăn với những công ty thiếu uy tín hoặc không đủ năng lực thanh toán. Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp nên đánh giá kĩ càng năng lực, môi trường kinh doanh, tình trạng kinh doanh hiện tại của khách hàng trước khi kí kết hợp đồng; đồng thời cũng nên thiết lập và quy chuẩn hóa các quy trình mua bán, gắn liền với quy định pháp luật để ràng buộc khách hàng. Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc chọn lựa đúng khách hàng, đối tác để hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp mình.
Như vậy, để đảm bảo dòng tiền luôn được lưu thông ổn định trong doanh nghiệp, nhà quản trị cần lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tối ưu hóa quy trình quản lý hàng hóa, thành phẩm, hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền, đồng thời phải lựa chọn khách hàng, đối tác uy tín, có khả năng thanh toán. Duy trì một dòng tiền khỏe mạnh là một yếu tố đảm bảo sự thành công trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.