Data driven là khái niệm được ra đời trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc tận dụng dữ liệu trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh. Vậy Data driven là gì? Làm sao để doanh nghiệp ra quyết định dựa trên dữ liệu hiệu quả với các công cụ như ERP?
Data driven là gì?
Data driven là một thuật ngữ đề cập đến cách mà doanh nghiệp tận dụng dữ liệu để tạo ra các thông tin cần thiết trong quá trình hoạt động và ra quyết định của mình. Thực tế, tận dụng dữ liệu đem lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, giúp phân tích và dự đoán trước những rủi ro có thể xảy đến, đồng thời, mở khóa cho các mô hình kinh doanh mới trong ngành sản xuất.
Lợi ích nổi bật của data driven là gì?
Việc tận dụng hiệu quả mô hình data driven tại các doanh nghiệp sản xuất giúp mang lại những giá trị to lớn từ việc đồng bộ và xuyên suốt mọi hoạt động tại nhà máy, bao gồm:
Cải thiện khả năng dự báo: việc tổng hợp dữ liệu từ nhiều loại máy móc, thiết bị cho phép nhà sản xuất cải thiện các thuật toán dự báo bảo trì, bảo dưỡng máy móc.
Theo dõi toàn bộ sản phẩm trong chuỗi giá trị nhà máy: từ nguồn thông tin xuyên suốt, nhà sản xuất có thể giám sát và theo dõi toàn bộ sản phẩm trong chuỗi giá trị. Từ đó xây dựng các hành động phản ứng nhanh chóng với các sự kiện bất ngờ xảy ra cũng như có sự điều chỉnh về giảm lượng sản xuất hay tồn kho cần thiết.
Trao đổi đặc tính sản phẩm: chia sẻ dữ liệu về thông tin, hình dạng và các thuộc tính sản phẩm, từ đó các nhà sản xuất có thể đồng bộ hóa và tối ưu hóa các quy trình trong hoạt động sản xuất, cung ứng tới khách hàng.
Đẩy mạnh mô hình lấy khách hàng làm trung tâm: Từ việc thu thập và phân tích các dữ liệu liên quan đến nhu cầu, mong muốn, sở thích, thói quen của khách hàng, doanh nghiệp có thể thiết kế và thay đổi phương thức sản xuất từ hàng loạt trở thành sản xuất riêng biệt cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Việc này không những giúp rút ngắn thời gian ra các sản phẩm mới, mà còn gia tăng giá trị doanh nghiệp nhận lại.
ERP – Nền tảng thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu
Trong mỗi tổ chức, dữ liệu được coi là mạch máu của doanh nghiệp. Dữ liệu tồn tại và không ngừng mở rộng tại nhiều phòng ban, bộ phận khác nhau. Việc sử dụng và phân tích các dữ liệu liên bộ phận này sẽ giúp mỗi công ty có thể tận dụng tối đa các giá trị của dữ liệu và từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh. Chính vì thế, việc xây dựng một nền tảng cho phép thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu chung trên toàn hệ thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mỗi đơn vị nhanh chóng xây dựng các bài toán dữ liệu và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả.
Trong khi đó, ERP (Enterprise Resource Planning – Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) là giải pháp công nghệ cho phép tích hợp nhiều phân hệ phục vụ cho các quy trình nghiệp vụ từng phòng ban và liên phòng ban khác nhau trên toàn bộ doanh nghiệp. Ngày nay ngày càng nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng ERP để khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu trên nền tảng lưu trữ và phân tích số. Ngoài ra, ERP cũng sẽ cho doanh nghiệp những góc nhìn sâu hơn về dữ liệu.
Ứng dụng công cụ ERP vào data driven như thế nào?
- Tăng cường chức năng hiển thị dữ liệu trên toàn tổ chức
Công cụ ERP cho phép mỗi công ty có thể thu thập, xử lý và phân phối dữ liệu theo cách thức đồng nhất và kịp thời. Điều này giúp đáp ứng các nhu cầu về quản trị tổng thể – điều mà nhiều hệ thống phần mềm đơn lẻ hiện nay chưa thể thực hiện. Hệ thống ERP đem lại một bức tranh đồng nhất từ bán hàng, mua sắm, kho vận, vật tư, sản xuất, nhân sự, tiền lương…
Dựa vào những dữ liệu minh bạch này, nhà quản trị có thể phân tích và đo lường hiệu suất hoạt động của từng khâu trong sản xuất, kinh doanh cũng như thấu hiểu chính xác và chi tiết những gì đang xảy ra, xác định các điểm nghẽn… Từ đó nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh hoạt động và quy trình một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
- Phân tích hành vi người tiêu dùng
Phân hệ quản lý quan hệ khách hàng trên phần mềm ERP cho phép tích hợp, tổng hợp và phân tích chuyên sâu mọi dữ liệu liên quan tới khách hàng; kế đến, ERP lưu trữ chúng tại một nền tảng duy nhất để tập trung quản lý. Những thông tin quan trọng trên sẽ được trực quan hoá thành các biểu đồ, hình ảnh giúp nhà tiếp thị dễ dàng nắm bắt được chân dung khách hàng của mình cũng như hình ảnh về thương hiệu của tổ chức đối với khách hàng. Từ đó, nhà quản trị sẽ nắm bắt sâu sắc hơn tâm lý và thông tin khách hàng mục tiêu, cung cấp các chiến lược khuyến mãi, marketing phù hợp nhất.
- Cung cấp báo cáo đa chiều và dự báo xu hướng
Thông thường, các doanh nghiệp thường sử dụng các chỉ số như ROI, CPS, CPL, CLV… để đo lường hiệu quả của các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Song, việc đo lường và phân tích các thông số này vô cùng phức tạp, nó đòi hỏi việc kiểm tra và thống kê số liệu khổng lồ từ mọi nguồn lực trong doanh nghiệp..
Với hàng trăm báo cáo có sẵn trên hệ thống ERP, cũng như nguồn dữ liệu được cập nhật tức thì, doanh nghiệp sẽ được cung cấp các báo cáo chi tiết, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian. Các báo cáo được ERP cung cấp giúp doanh nghiệp đưa ra các dự báo xu hướng trong tương lai gần và dài hạn.
Kết
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi data driven là gì? Việc ứng dụng ERP nhằm cải tiến hoạt động data driven sẽ giúp doanh nghiệp kiến tạo các chuyển biến mang tính đột phá về năng suất, chất lượng, từ đó cải tiến tốt hơn dịch vụ khách hàng và hoạt động kinh doanh của tổ chức.