Theo số liệu mới nhất từ Quý I năm 2019, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ước tính là 1,21%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động khu vực thành thị là 0,60%, ở khu vực nông thôn là 1,53%. Xu thế thị trường nền kinh tế phát triển, cơ hội việc làm cho người lao động cũng tăng lên. Tuy nhiên với guồng quay của nền kinh tế, sự biến động cũng không hề ít, tỷ lệ thất nghiệp tạm thời của người lao động vẫn còn khá cao.
Khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, người lao động mới nhận thấy tầm quan trọng của Bảo hiểm thất nghiệp lớn như thế nào. Vì vậy không chỉ là Doanh nghiệp mà bất kỳ một công dân nào cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về Bảo hiểm thất nghiệp.
Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cập nhật tới bạn đọc về những kiến thức mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2019.
1. Định nghĩa về Bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo khoản 4, điều 3, Luật việc làm 2013 định nghĩa rằng: “Bảo hiểm thất nghiệp là một chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.” Vì vậy, trong thời buổi kinh tế bất ổn, bảo hiểm xã hội được xem như là một phao cứu sinh khi người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.
2. Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp năm 2019
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Các trường hợp đối tượng cần bắt buộc tham gia Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
– Người lao động: người lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi ký kết làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc dưới dạng:
+ Không xác định thời hạn;
+ Xác định thời hạn
+ Theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
– Người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm có:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác
+ Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã nêu.
Hai trường hợp ngoại lệ không được tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm người lao động đang hưởng lương hưu và người lao động giúp việc gia đình.
3. Quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp
Điều 42 Luật việc làm 2013 nêu rõ 4 chế độ quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
– Trợ cấp thất nghiệp:
– Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
– Hỗ trợ học nghề:
– Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
4. Mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp năm 2019
– Đối với Người lao động sẽ đóng 1% tiền lương tháng;
– Đối với Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
5. Mức hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp năm 2019
Công thức tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay như sau:
Mức hưởng hàng tháng =Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60% đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động (NLĐ) sẽ được hưởng mức trợ cấp theo công thức trên và:
– Tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng;
Kể từ thời điểm 01/07/2019, căn cứ theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng sẽ được tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Như vậy, bảng lương cơ sở năm 2019 sẽ được cập nhật như sau:
Thời điểm áp dụng
Mức lương cơ sở Từ 01/01/2019 – 30/06/2019 = 1.390.000 đồng/tháng
Từ 01/07/2019 – 31/12/2019 = 1.490.000 đồng/tháng
Căn cứ theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ thời điểm 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:
+ Mức 4,18 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
+ Mức 3,71 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
+ Mức 3,25 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
+ Mức 2,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
– Số tháng đóng bảo hiểm sẽ quyết định thời gian hưởng trợ cấp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng;
– Kể từ ngày nộp đủ hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm có thẩm quyền, đến ngày thứ 16, NLĐ sẽ là thời điểm NLĐ được tính Bảo hiểm thất nghiệp.
– Ngoài ra, Người lao động còn được hưởng một số trợ cấp khác như:
+ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: miễn phí;
+ Hỗ trợ học nghề: Tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 06 tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
6. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
– Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:
+ Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.
– Điều kiện hỗ trợ học nghề:
+ Đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ.
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
7. Hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp
Hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
– Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc; Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động (đối với công việc theo mùa vụ hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng); Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
– Sổ bảo hiểm xã hội.
8. Thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Mục 3 chương IV Nghị định 28/2015/NĐ-CP, để hưởng Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện 4 bước sau:
Bước 1: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tới trung tâm dịch vụ việc làm.
Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Bước 4: Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định
Bên cạnh Bảo hiểm thất nghiệp, thì khi thực hiện đóng đầy đủ các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, và các khoản Bảo hiểm khác bản thân người Lao động sẽ được hưởng rất nhiều chế độ quyền lợi khác.